Khi Tuyên Giáo TW Dự Báo Thời Tiết

  02/26/2021

USS Lassen DDG82

Khi Tuyên Giáo TW Dự Báo Thời Tiết

. Đinh Tấn Lực

Dùng lòng bàn tay hắt từng bụm nước vào chỗ nào đó  cho nó ướt thì gọi là té nước. Nếu chỗ đó đang mưa thì động thái ‘té nước theo mư’a trở thành một việc làm mang tính vô ích, và có khi là lưu manh vô lại, mà tưởng là nắm bắt hay khai thác thời cơ” (thành ngữ tự điển ĐTL)

Hàng trăm tờ trong dàn báo mậu dịch đồng loạt loan tin USS Lassen tuần tra Biển Đông, dồn sức nhấn mạnh yếu tố “Không Trở Ngại!”. Như thử VN đang thuê bao thành công USS Lassen làm nhiệt kế đo độ nóng Biển Đông.

Khu trục tiêu diệt hạm Lassen của hải quân Mỹ, thuộc lớp trang bị tên lửa Arleigh Burke, được đánh số DDG-82, mang tên của vị Trung tá Phi công Hải quân Mỹ Clyde Everett Lassen.

Theo quân sử của Mỹ, vào ngày 19 tháng 6 năm 1968, ông Clyde Everett Lassen, bấy giờ là một phi công 27 tuổi, lái chiếc trực thăng UH2 Sea Spirit trong phi vụ cứu nạn 2 phi công khác bị bắn rơi trên không phận Bắc Việt. Ông phải đảo nhiều lần quanh quả đồi rừng già, nơi 2 phi công lâm nạn đang ẩn núp, để tránh đạn phòng không dày đặc tưởng chừng như phải báo cáo xin huỷ phi vụ.

Quyết định chớp nhoáng “không bỏ chiến hữu, không bỏ bạn bè” lúc đó là ông bật đèn báo rồi lao xuống đất địch. Máy bay của ông trúng đạn. Nhưng ông đón được 2 chiến hữu an toàn, trước khi tận dụng khả năng cất cánh trong lưới đạn, để rời quả đồi tử thần. Lúc đáp xuống khu trục tiêu diệt hạm USS Jouett (DLG-29) đón đợi ngoài khơi Biển Đông, máy bay của ông chỉ còn lượng xăng đủ để bay thêm 5 phút nữa.

Phi vụ này được Phi đoàn 7 Trực thăng của Mỹ ghi nhận là 1 trong những chuyến cứu nạn hiểm nghèo nhất của đơn vị trong cuộc chiến VN. Ông là phi công đầu tiên, và là quân nhân thứ năm của Hải quân Hoa Kỳ, được tưởng thưởng Huy Chương Danh Dự cao quý nhất của quân đội Mỹ, tính từ khi Hoa Kỳ quyết định trợ giúp miền Nam VN ngăn làn sóng đỏ.

Không ai rõ có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào khi Đệ Thất Hạm Đội điều động chuyến tuần tra quanh Trường Sa, cũng trong tinh thần ngăn làn sóng đỏ bành trướng thời nay, bằng chiếc khu trục tiêu diệt hạm mang tên của một người hùng từng cứu bạn từ Đất Bắc ra Biển Đông.

Giới tổng biên tập báo đài trong luồng chỉ được nhận chỉ thị của Tuyên Giáo TW, như một loại đèn xanh té nước theo mưa, rằng… Đây là hoạt động bình thường. TGTW còn giải thích cặn kẽ bằng mô tả chi tiết nơi tuần tra là 2 bãi cạn bị TQ xây tôn thành đảo nhân tạo rộng đến hàng trăm mẫu tây.

Từ khóa của đoạn văn chỉ đạo cần phải quán triệt rốt ráo này là từ “BỊ”. Điều đó khiến nhiều người không khỏi chau mày. Có lẽ nào các ủy viên BCT đều …uống thuốc lắc? Hay đang nâng cốc trong bàn nhậu? Hoặc giả, đang trong quy trình …nối vòng tay lớn? Chứ không thì sao lại gan trời mà vượt qua cái ngưỡng hèn muôn thuở, đến thường xuyên ướt quần kia, rồi cho phép báo đài lên gân?

Không trả lời được điều đó thì có khác nào xếp hạng cái “đèn xanh” này là một thứ “rụt rè mạnh miệng”?

Thì đây, chỉ đạo kế tiếp để giải thích “cơn run còn đó” là như này: Báo đài cần chú ý rằng có khả năng cao là TQ sẽ lớn tiếng về chủ quyền biển đảo.

Rồi nhấn mạnh cho báo đài phải tập trung giải thích điểm cốt lõi (để tránh mích lòng hàng xóm) rằng: Mỹ vào cuộc là vì quyền tự do hàng hải chứ không phải vì ta! Càng không phải vì ta mời mọc hay cậy nhờ gì cả!

Còn chủ trương của ta (ít ra là im lặng gồng mình để Mỹ vào cuộc, chỉ đơn giản là bởi Ta (góp phần) bảo vệ tự do hàng hải! Thế thôi! Đây chính là đoạn chỉ đạo sinh tử! Nhớ đấy!

Làm gì mà phải lập cập một loạt một lô chấm than như thế?

Vâng, Bão Tới! TGTW dự báo thời tiết rằng: Biển Đông sẽ nổi sóng mạnh, nhiều phần là từ mạnh đến rất mạnh! Cái khó là không thể định cấp. Cho nên, không thể coi thường được! Cũng không thể lơ là mất cảnh giác!

Tại sao? Để có bão thì phải có gió. Gió đâu? Ai góp?

Đây: Thượng nghị sĩ Mỹ, kiêm cựu tù nhân Hỏa Lò John McCain tuyên bố rằng việc tuần tra này lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu. Nói nhỏ nhé: Và cái này thì khai thác được, bởi ông ấy có kêu gọi thêm là Mỹ cần tếp tục thực những cuộc tuần tra tương tự trong thời gian tới. Đó chẳng phải một tay góp gió là gì?

Đây nữa: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định rằng “Sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, kể cả đồng minh Hoa Kỳ để bảo vệ các đại dương mở ngõ, tự do và hòa bình”. Từ khóa của đoạn này là “đồng minh Hoa Kỳ” đấy! Cũng chẳng phải một tay góp gió là gì?

Còn nữa: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ: “Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục các hoạt động tuần tra như vậy tại bất cứ nơi nào theo luật pháp quốc tế”. Há chẳng phải là thêm một tay góp gió đấy sao?

Thế, “ta” phải làm gì?

À há! Đây rồi. TGTW cho ngay chỉ thị: Các báo đài phải có kế hoạch tuyên truyền làm rõ chính nghĩa của ta.

Lại hao nước bọt nữa đây…

Sau một ngày im ắng đến thắt tim, BCT thở phào, và Người phát ngôn bộ Ngoại giao VN đã mạnh dạn khởi động chiến dịch nêu cao chính nghĩa đó như này: “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’. Việc cái gọi là ‘chính quyền thành phố Tam Sa’ tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Té nước theo mưa là chỗ đó.

Còn lưu manh vô lại là ở chỗ cả bọn đang lên giọng “nêu cao chính nghĩa” đó quên mất những trận đàn áp bắt bớ đoàn người biểu tình chống Tam Sa từ đận 2007.

Lưu manh vô lại cấp hai là nhà nước chính thức tuyên bố (cho Tàu nghe) rằng đó là những cuộc biểu tình tự phát, chưa được phép, “Và khi các vụ việc trên xảy ra, các lực lượng bảo vệ (công an) của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này”.

Lưu manh vô lại cấp ba là nhà nước không kịp xóa cái thông báo yêu cầu sinh viên, giáo viên, nhân viên không tham gia biểu tình, “tránh bị kích động, lôi kéo“.

Đề nghị TGTW nên họp lại và chấm dứt tình trạng hướng dẫn chỉ đạo cho báo đài khơi gợi và vạch rõ tính lưu manh vô lại của dàn lãnh đạo Ba Đình.

bieytinhchongTQ2007a

28/10/2015 – Tròn 129 năm Lễ khánh thành Tượng Nữ Thần Tụ Do tại New York.

Blogger Đinh Tấn Lực

 

#dinhtanluc