Tài Trí của Thanh Thiếu Niên OCLP Hong Kong

  02/26/2021

141010-ảnh New York Times

141010-ảnh New York Times

 

Tài Trí của Thanh Thiếu Niên OCLP Hong Kong

. Đinh Tấn Lực

 

Chương trình thời sự trên truyền hình CNN tối 10/10/2014 có hai bản tin vui:

Thứ nhất là bản tin về Malala Yousafzai, một thiếu nữ Pakistan, từng bị Taliaban bắn vào đầu, vừa được tuyên dương là một trong hai Khôi nguyên của giải thường Nobel Hoà Bình 2014. Malala chỉ mới 17 tuổi.

Thứ hai là bản tin về thanh thiếu niên Hong Kong tái chiếm Trung tâm đô thị này, như một bày tỏ thái độ đối với sự lật lọng từ chối đàm phán của chính quyền Hong Kong. Một trong hững người trẻ đứng đầu sóng ngọn gió của cuộc biểu tình chiếm đóng này là Joshua Wong, cũng chỉ 17 tuổi.

Khi công bố giải thưởng, Ủy ban Nobel Na Uy nhận định là sự phát triển hòa bình trên toàn cầu chỉ có thể đạt được nếu trẻ em và những người trẻ được tôn trọng.

Đúng là những người trẻ cần được tôn trọng. Không chỉ đáng trọng mà còn đáng phục. Cô Malala nói: “Vào lúc cả thế giới lặng câm, ngay cả chỉ độc một tiếng nói cất lên cũng trở thành sức mạnh”. Còn các bạn trẻ Hong Kong chứng tỏ là đã vượt ngưỡng được tôn trọng, đến mức cần học theo, qua lời kêu gọi nhau xuống đường tối 10/10/14: “Hãy cho họ thấy là chúng ta có gì trong tay!”.

Các sự kiện về cuộc biểu tình ở Hong Kong, ngay từ khi bắt đầu, đã tác động khá lớn đến các giới hoạt động dân chủ hoá Việt Nam: Quan tâm; Theo dõi; Lên tinh thần; Rút tỉa nhiều bài học & So sánh với trường hợp VN để xem cần khắc phục điểm nào và khai triển điểm nào….

Ở đây chỉ là những điều ghi nhận sơ lược về cuộc biểu tình OCLP (chứ không phải toàn bộ cuộc đấu tranh từ cả thập niên nay của người Hong Kong) và rất cần hiệu đính/bổ túc…

*

20 điều ghi nhận cô đọng có thể liệt kê được:

Hầu hết là về những khả năng tuyệt vời của các bạn trẻ Hong Kong:

1. Vận động nhau, trong giới học sinh sinh viên – “Gần như 95 phần trăm thành phần đám đông tụ tập trong bảy đêm qua là là từ 15 đến 25 tuổi” (theo Gs Alan Leung). Điểm mới lạ là họ khởi sự nhắm vào thành phần học sinh trung học hiếm thấy xuất hiện trong các cuộc biểu tình trước đây.

2. Vận động động được thầy cô & phụ huynh hưởng ứng – Các bạn trẻ đã tự giúp nhau thay đổi sự suy nghĩ và làm thay đổi sự suy nghĩ của nhiều người chung quanh (ở cái nghĩa gốc của cách mạng). Xa hơn, bằng chính lý tưởng trong sáng bất vụ lợi cá nhân, tuổi trẻ Hong Kong đã hoá giải được phần nào sự đố kỵ/tỵ hiềm giữa một số chính đảng/tổ chức của người lớn ở đây, và nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.

3. Chọn danh xưng – “Chiếm Cứ Trung Tâm với Tình Yêu & Hoà Bình” – Xác định ngay phương thức và động lực đấu tranh. Trên thực tế, tên gọi này đã được đề nghị từ năm 2012, và được chính thức sử dụng trên một bản Tuyên ngôn hồi tháng 3/2013 (có 800.000 người tham gia trưng cầu dân ý không chính thức ngày 26-3-2013 để ủng hộ bầu cử tự do). Đến cuối tháng 9/2014 thì trở thành tên gọi cuộc biểu tình chiếm đóng này. Tức là họ có gần hai năm chuẩn bị chu đáo cho một công tác quy mô.

4. Chọn biểu tượng đấu tranh:

  • Dù – Tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh ôn hoà – lại vừa che nắng mưa cho người biểu tình. Biểu tượng này đã trở thành tên gọi (quốc tế) cho cuộc đấu tranh dân chủ của Hong Kong: Cách Mạng Dù.
  • Ruy-băng vàng – Tượng trưng cho niềm tin chiến thắng – vừa để nhận diện đồng đội & biểu dương số đông. Cũng là biểu tượng đã được thế giới từng biết đến nhiều.
  • Tuần trước, các bạn trẻ dựng thêm một pho tượng gỗ ghép 1 người cầm dù (che cho người khác), như một thông điệp về tính vị tha, “vì người khác”.

5. Chọn đúng mục tiêu – Nâng cấp mục tiêu xã hội (phản đối giáo dục nhồi sọ, đã thành công từ hai năm trước) lên mục tiêu chính trị (đòi quyền tự quyết về việc chọn lãnh đạo cầm quyền), đáp ứng đúng nguyện vọng của số đông quần chúng Hong Kong là bảo vệ kỳ được nền dân chủ ở đây trước chính sách đảng cử dân bầu của Bắc Kinh.

6. Chọn đúng địa điểm & thời điểm – Địa điểm là những khu vực đông người nhất (kể cả du khách) của Hong Kong. Thời điểm là ngay trước ngày Bắc Kinh kỷ niệm ăn mừng 65 năm “lập quốc”.

7. Nâng cấp hình thái đấu tranh – Từ hình thức Bãi Khoá tại 14 trường đại học Hong Kong (ngày 22/9/2014) chuyển thành hình thức Chiếm cứ Trung tâm HongKong (1 tuần sau đó).

8. Tính trước những cách đối phó của Bắc Kinh – (và chuẩn bị sẵn đối sách tương ứng)

  • Kìm hãm (bình luận bôi nhọ, dựng đối kháng cuội cùng tên…);
  • Dìm chết phong trào khi nó còn trong trứng nước (bằng cách cố bắt 3 người sáng lập phong trào);
  • Phá hoại phong trào nếu nó vẫn trổi dậy (với quy mô lớn hơn biện pháp kìm hãm);
  • Đe dọa những người ủng hộ OCLP (đối với cả thân nhân người ủng hộ);
  • Chia rẽ khối ủng hộ dân chủ (phân liệt phong trào theo 2 chủ trương cứng rắn/mềm dẻo – tách rời các nhân sự dân chủ trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong);
  • Đàn áp (là biện pháp sau cùng, chưa xảy ra).

9. Kỷ luật đấu tranh BBĐ – Kiên trì có mặt và kiên nhẫn né tránh mọi kích động gây rối loạn; ngồi yên có hàng lối; nằm xuống khi bị xịt nước vòi rồng (để triệt giảm sức nước & tránh bỏ chạy làm vỡ trận); nhắc nhau “Họ không thể giết hết chúng ta”; cùng vỗ tay hát bài Happy Birthday khi bị quấy rối, nhặt rác giữ vệ sinh khu vực…).

10. Thu phục nhân tâm – Phát thanh lời xin lỗi doanh nghiệp & xin cộng đồng kiên nhẫn. Một số sinh viên thay phiên quỳ trước cổng metro, cần bảng viết lời xin lỗi cộng đồng thương mại địa phương. Cùng lúc, sinh viên cũng đã đánh động lương tâm được một số cảnh sát (tiêu biểu là hình ảnh người cảnh sát vất súng để lấy nước lọc rửa mắt cho một sinh viên nạn nhân bị bắn chất cay).

11. Vận động được sự ủng hộ của các minh tinh điện ảnh nổi tiếng của Hong Kong – Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hòa, Trương Gia Huy & ca nhạc sĩ Anthony Wong v.v… làm gia tăng số người quan tâm/đồng cảm/ủng hộ/tham gia, đặc biệt là trong giới giáo sư, kịch nghệ, phim ảnh, văn nghệ sĩ.

12. Vận động được phóng viên ngoại quốc đến làm phóng sự trực tiếp (CNN, BBC…) – Tạo thành một loạt tin nóng được cập nhật liên tục trên các đài truyền hình của nhiều quốc gia dân chủ Âu Mỹ Úc, có lúc làm mờ nhạt cả tin chiến sự ISIS ở Trung Đông. Cộng thêm nỗ lực cập nhật hình ảnh/âm thanh/phỏng vấn của rất đông cư dân mạng, khiến các trang mạng xã hội đầy ắp tin tức mọi diễn biến ở Hong Kong và lan truyền ra thế giới gần như tức khắc. Ngay cả một số tổ chức hay cơ quan truyền thông Việt Nam cũng đã cử phóng viên sang tận nơi để cập nhật tin tức tại chỗ.

13. Thiết lập Kế hoạch Công tác chặt chẽ – Tổ chức chu đáo. Điều động nhịp nhàng. Những lời kêu gọi hay giải thích đến tập thể biểu tình cực kỳ thích ứng và kịp thời.

14. Huấn luyện đại trà đến mức chi tiết – Trước khi xuống đường, người tham gia biểu tình được quán triệt quyển “Cẩm nang Bất tuân Dân sự”, và ký vào một bản cam kết tự nguyện (Letter of Intent), để minh chứng tính tự nguyện và đã hiểu rõ mọi chi tiết cùng vị trí/vai trò/công việc/trách nhiệm của bản thân, cũng như hiểu rõ những tình huống có thể xảy ra cho chính mình cùng cách đối phó; lại còn nhằm để khuyến khích mỗi người quảng bá/kêu gọi và hướng dẫn thêm hai người khác cùng tham gia.

15. Hậu cần tốt – Từ chuyện cung cấp nước uống, thuốc men, chỉ đường, giúp liên lạc, hệ thống sơ cứu… cho tới sắp xếp việc nạp điện phone di động và các máy tính bảng cho một số đông hàng trăm ngàn người.

16. Tận dụng phương tiện truyền thông để huy động và điều động – Nhóm tổ chức dự liệu trước xác suất nhà nước chận sóng điện thoại và Wifi, nên đã khai thác hệ thông tin Firechat (thông qua chức năng cận liên Bluetooth của điện thoại di động và) tạo thành một mạng lưới truyền tin hữu hiệu.

17. Phát huy nhiều sáng kiến – Trẻ em phát nơ, sinh viên làm bài trên mặt đường, giáo sư dạy môn dân chủ học tại hiện trường, ban đêm chiếu rọi lên bức tường lớn những chia sẻ ủng hộ của thế giới, thậm chí, biểu diễn nghệ thuật múa thăng bằng ngay tại quảng trường biểu tình.

18. Có sẵn phương án B/C/D… và lấy quyết định linh hoạt – Dự sẵn những phương án phòng hờ, ứng biến nhanh và thích ứng (có điều kiện liệt kê trước) để giữ ưu thế cho phong trào (đặc biệt là đối với thái độ tráo trở/lật lọng của chính quyền sở tại).

19. Khai thác thành quả tại chỗ & quốc tế – Làm nền tảng xây dựng được Phong trào Toàn cầu Đoàn kết cùng Hong Kong. Một số nơi tổ chức Đêm Thắp Nến cho Dân Chủ của Hong Kong. Tổng thống Đài Loan lên tiếng ủng hộ…

20. Khả năng Chủ lực – Với hai đặc tính: Hoạt động công khai và tiềm ẩn & Có tài phối hợp hành động. Kết quả là thể hiện rõ đầy đủ các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động, thông qua

  • 5 Đặc tính: Số đông – Công khai – Quyết liệt – Thương lượng – Kỷ luật; (và)
  • 4 quy luật hành động: Dễ làm – Chẻ nhỏ – Lôi kéo (tránh tấn công 1 tập thể) – Tiến thoái lưỡng nan.

Trong đó, yếu tố quyết liệt trong một cuộc biểu tình ôn hoà thật rất rõ nét qua lời nhắn nhủ của một sinh viên: “Nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ là nô lệ suốt đời”.

Và thành quả Tiến Thoái Lưỡng Nan không chỉ dừng lại ở chính quyền Hong Kong, mà lan đến tận Bắc Kinh. Một bình luận trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Uôn) hồi tuần rồi viết rằng: “Cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong buộc Tập Cận Bình phải lựa chọn: hoặc tương nhượng; hoặc gây tổn hại cho sự thịnh vượng của Hong Kong và danh tiếng của Trung Quốc”. Cả hai đều không dễ dàng gì.

Bản tin sáng nay, 11/10/2014, cho biết là trong dàn cố vấn cho Lương Chấn Anh có 6 người từ chức và sẵn sàng tham gia phong trào Bất tuân Dân sự.

Lại có tin cả hai nhân vật đứng đầu chính quyền Đặc Khu Hong Kong là Chan Ying Leong & Carie Lam đang trên đường về Bắc Kinh “họp khẩn” trong hai ngày thứ bảy & chủ nhật này.


11/10/2014 – Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Kỷ niệm 211 năm tròn ngày đăng ký phát minh ra môn nhảy dù của Jacques Garnerin.

Blogger Đinh Tấn Lực

Còn tiếp phần 2: So sánh một vài tương ứng (về điều kiện đấu tranh) giữa Hong Kong & VN

 

 

#dinhtanluc