Đọc Như Két – Nghe Như Kẹt

  02/26/2021

(ảnh gốc từ cổng thông tin chính phủ)

 

Đọc Như Két – Nghe Như Kẹt

. Đinh Tấn Lực

Thông điệp đầu năm 2012 của TT Nguyễn Tấn Dũng rõ là có gây một số hiệu ứng nhất định.

Kẻ hồ hởi cho rằng đây là phút cựa quậy lột xác của TT, sau đận vặn mình lột áo về lời tuyên bố biển đảo trước Quốc Hội sáng ngày 25-11-2011 vừa qua.

Người hồ nghi thì dù chẳng tin bánh đúc có xương, nhưng cũng rán gửi gắm niềm hy vọng to bằng hạt cải là biết đâu tay TT (vốn ghét giả dối) lần này nói thật.

Đứa hồ đồ thì vội vội vàng vàng cắt dán ngay vào email chuyển tiếp cùng khắp, không kịp vỗ tay, cứ như người đánh số đề nằm chiêm bao thấy cứt.

Còn tay hồ thỉ tang bồng (từng sưu lục một tủ hồ sơ toàn tập về căn bệnh bất lực mãn tính có tên là Nhà Nước) lại nhếch môi cười nhạt rồi phán câu ngắn gọn: Đọc như két (mà) Nghe như kẹt.

Bảo rằng “đọc”, là vì hắn khó lòng mường tượng ra được tay TT này có khả năng viết nổi một bản văn rộn ràng/rổn rảng cỡ đó, rồi cũng không chắc là hiểu đứa nào chấp bút cho đó nó nói gì, và chỉ gật đầu ký duyệt.

Còn vì sao bảo “kẹt”? Đừng vội vu khống là hắn đang văng tục bằng thổ âm địa phương. Ý hắn là tay TT này kẹt thiệt, tợ như một chiến sĩ tuyến đầu run tay kéo cơ bẩm mà đạn đếch chịu lên nòng ấy.

Cũng chẳng phải hắn nhận định bâng quơ bằng giọng điệu văn kiện hội nghị như TT. Có cơ sở đậm đà màu sắc dân dã cả đấy.

Trong toàn bài 4.451 từ của TT, độc nhất chỉ có 1 từ “nông dân” là nói về dân, trong đoạn văn mơ mộng/mượt mà và rất đỗi nên thơ là “gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống nông dân”. Còn tuyệt đại bộ phận nhân dân, là đối tượng nhận thông điệp và đồng thời là chủ thể của nền kinh tế, thì hoàn toàn không có một vị trí/vai trò nào trong bản văn nói trên.

Ngược lại, nó chất chứa 32 từ “PHẢI”, nghĩa là dẫy đầy 32 thứ “kẹt” cần giải quyết cấp bách, mà không ai thấy đâu cách giải quyết, chưa nói tới cách giải quyết khả thi, trong khung cảnh chính trị độc đảng bất lực và trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn diện hiện nay.

*

Ứng vào tình hình thời sự, nghe chừng cái thông điệp đầu năm này khen khét mùi Russian Rambo  tẩm Vodka của Thủ tướng Vladimir Putin bên Nga.

Từ đầu thế kỷ, Putin đã từng hứa hẹn với dân Nga 3 điều:

  1. Ổn định xã hội;
  2. Tăng trưởng kinh tế;
  3. Vẹn toàn lãnh thổ.

Sau 8 năm làm tổng thống và gần 4 năm làm thủ tướng (để hội đủ điều kiện tranh chức tổng thống nhiệm kỳ tới), Putin không ngờ là dân Nga đã nhận chân ra 3 điểm:

  1. Putin ổn định xã hội bằng kỹ năng KGB và một guồng máy thư lại sống bằng tham nhũng;
  2. Putin tăng trưởng kinh tế chủ yếu bằng bán tháo tài nguyên sẵn có và trên đà cạn kiệt của Nga;
  3. Putin bị Tây phương phong cho tước hiệu là “tay đồ tể của Chechnya” (Vladimir Putin is the butcher of Chechnya).

Đó là lý do mà dân Nga, nhân cớ gian lận bầu cử quốc hội (Duma) vừa qua, đã xuống đường phản đối/la hét/ngắt lời/mắng nhiếc Putin. Đến mức Putin phải cử người thay mặt cho những lần xuất hiện mới đây. Và ngay cả những tay đại diện đó cũng bị dân Nga mắng nhiếc thậm tệ không kém. Rõ là dân Nga muốn chấm dứt triều đại Putin. Rõ là “Đã đủ rồi!”. Bởi, ngay cả giới doanh nhân, và đặc biệt, giáo hội Cơ Đốc Chính Thống cũng chính thức lên tiếng, là lần đầu tiên trong lịch sử một thế kỷ cận đại của Nga.

Đài truyền hình nhà nước cắt ráp đoạn la ó ngắt lời Putin bằng tiếng vỗ tay. Tuy nhiên giới blogger Nga đã chiếu clip nguyên thủy lên mạng Youtube và đạt con số hơn nửa triệu lượt người xem trong vòng 24 tiếng. Blogger Alexei Navalny cho rằng đó là “điểm kết thúc một thời đại”.

Cũng không phải vô cớ mà người ta bảo hương hoa lài tỏa đi 2 ngả, về phía Á Đông, và về phía Nga.

Quay nhìn lại xứ mình, cả 3 điểm nói trên đều có phần tương thích.

Ổn định xã hội ư? Cứ đọc từng giuộc tin “nóng” hằng hà mỗi ngày trên dàn báo chính quy, hay nghe cụm từ “vãi luyện” đã thành tiếng lóng thời thượng, tất rõ. Nhà nước này đang đặt cược sinh tử vào hệ thống sai nha (chính quy lẫn giả dạng xã hội đen) cùng một băng đảng thư lại (còn đảng còn tiền) để vét cú chót trong những ngày mạt vận của một nhà nước xưng xưng là pháp quyền mà phải sử dụng các biện pháp lén lút  bắt cóc, triệu tập thường xuyên, vu khống bằng truyền hình thủ đô, trả thù cá nhân, tùy tiện áp án rồi tự ý chồng án lên án vừa mãn, buộc dân làm giấy cam kết, vu nạn nhân tự tử, đe nẹt giới cầm bút dưới nick Tom Cat, bắt giam ký giả chống tham nhũng…

Nhà nước này sợ hãi ngọn đuốc sống Mohamed Bouazizi và hương hoa lài đến mức bưng bít/úp chụp dư luận về những vụ tự thiêu ở Đà Nẵng gần đây và ở Hà Nội mới đây, bằng những lý cớ vu vơ rất mực trẻ con, dù biết rằng chẳng ai tin nạn nhân chỉ vì thiếu nợ mà chọn lấy cách chết đau đớn tột cùng trước công chúng để gióng lời phẫn uất như thế.

Tăng trưởng kinh tế ư? “Sau hơn 20 năm thực hiện  đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… mà cả nước vẫn chưa chế tạo được 100% chiếc xe đạp. Nợ công đã vượt ngưỡng phân nửa tổng sản lượng nội địa. Lạm phát lên quá 23%. Giá sinh hoạt tăng vọt như hỏa tiễn Bắc Triều Tiên…

Từ thời Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức, toàn bộ các tập đoàn kinh tế/tổng công ty đồng loạt biến thành sân sau của phủ thủ tướng, trong đó, “quả đấm thép” Vinashin vỡ nợ và bị kiện ở nước ngoài, theo sau nó là một dãy các đại công ty than, điện, xăng dầu, điện thoại v.v… Và đó là cốt lõi của lời trần tình trong thông điệp đầu năm: “Thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ. Thị trường đất đai còn nhiều vướng mắc. Thị trường tài chính phát triển không cân đối, thị trường trái phiếu còn sơ khai, thị trường chứng khoán thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương. Thị trường khoa học công nghệ chậm phát triển. Thị trường lao động tuy đã khá hoàn chỉnh nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp cùng với sự bất hợp lý về tiền lương giữa các khu vực đang là rào cản lớn cho việc chuyển dịch lao động đến những lĩnh vực thiết yếu trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Giá cả một số hàng hóa và dịch vụ chưa bù đắp được chi phí, chưa theo cơ chế thị trường, làm cản trở việc thu hút nguồn lực và công nghệ cao cho phát triển”.

Vẹn toàn lãnh thổ ư? Riêng điểm thứ ba này thì Nguyễn Tấn Dũng còn phải học từ Putin rất nhiều. Cho dù mang tiếng đồ tể, nhưng ít ra, Putin không quỳ lạy trong ống tay áo của một ai. Nghĩa là không chỉ đặc dụng bàn tay sắt với mỗi dân Nga. Và không chỉ nói suông cho qua truông, trong lúc dồn sức dập nát lòng yêu nước của dân mình.

Ngoài ba điểm vừa kể thì, không tính kỹ năng mị dân và gian xảo, cả hai thủ tướng còn thêm một điểm tương thích thứ tư: Tự đánh bóng.

Putin mông má mặt mũi đột nhiên trơn tru, căng phồng như xóm tài tử Hollywood, hóa ra chàng cũng thích chích thẳng botox vào mặt. Chàng còn làm nhiều phim tư liệu quay cảnh ở trần cưỡi ngựa, mặc áo da đi môtô khủng… và thuê nhiều ban nhạc rock “tự phát” viết các bản như “Em yêu Putin”. (30 năm trước thì chắc tựa đề đã là “Ai yêu bác Putin hơn các em nhi đồng” ?).

Trong lúc đó, TT Nguyễn Tấn Dũng của ta được tới những  2 công ty xử lý rác viết báo ca tụng, một ở Đức và một ở Hàn. Chuyện thật mà nghe cứ như điển tích thời đại… bới rác ra thủ tướng. Rồi sau ngày Steve Job của hãng Apple qua đời, TT nước ta lại đột nhiên chỉ mặc kiểu áo cổ rùa. Quả là khoảng trống vĩ nhân cần được gấp rút lấp đầy. Có kẻ thân cận với TT còn cho biết cặn kẽ lý do: “Steve sản xuất được mấy thế hệ ‘iMac’ rồi chết. Trong khi TT từng đối phó trước biết bao chiến dịch ‘ai mách?’, với đủ loại tố cáo tham nhũng và bất tài, mà vẫn vững vàng nắm ghế thủ tướng và bắn một thông điệp rần rật những 32 cái PHẢI”.  Ai hơn ai?

*

Kết luận 1: Xem ra, 32 cái “PHẢI” của thông điệp này còn thiếu cái “PHẢI” thứ 33 mà cả nước Việt Nam đang mong mỏi, đó là PHẢI có đủ tự trọng để bước xuống khi biết mình vô năng.

Kết luận 2: Entry này không phân tích sâu vào nội dung văn kiện “thông điệp”, vì một lý do duy nhất: Tác giả để dành đó cho một lời thách thức công khai:

Blogger Đinh Tấn Lực thách thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối chất về cách giải quyết khả thi 32 cái “PHẢI” trong bản “thông điệp”, trên bất cứ diễn đàn công luận nào, kể cả các hệ thống Paltalk tiếng Việt hoặc các đài truyền hình Việt ngữ, bất luận ở đâu, vào bất kỳ ngày giờ nào mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn lựa, trong mùa Tết Nhâm Thìn đang thập thò chạm ngõ.

Hãy thử làm người (tử tế) một phen xem sao, Dũng này!

06-01-2012

Blogger Đinh Tấn Lực

dinhtanluc@gmail.com

Chú thích: Các dòng chữ in nghiêng trong nháy được trích nguyên văn (cả lỗi chính tả) từ văn kiện thông điệp để đời của TT Nguyễn Tấn Dũng.

Sao cả nước lại nhao nhao bảo "Đã Đủ Rồi" nhễ?

 

 

#dinhtanluc