Nhắn “thằng” nhạy cảm

  02/25/2021

Nhắn “thằng” nhạy cảm

. Đinh Tấn Lực

Tựa đề khúc tản mạn về 85 năm ngày báo chí cách mạng này, theo lẽ dự trù, sẽ là “Tổ Cha Thằng Nhạy Cảm”. Nhưng sau khi được tin sơ bộ kết quả bấm nút của quốc hội, nó đã được hỉ xả và hể hả đổi lại như trên, kèm với một nụ cười thích chí, là bởi nhiều nguyên do:

Thằng nhạy cảm tự thân nó hiền lành không khác những chú bé đồng lứa. Thế nhưng từ lúc nó tự nhận lãnh cái sứ mệnh lịch sử là giữ lề thông tin báo chí, thì tưởng chừng như cái thời “nhất đội nhì trời” đã lấy vé khứ hồi: Bỗng dưng thiên hạ đâm ra sính treo chữ “Nhẫn”, chữ “Tâm”, để nhắc nhau là đã quyết động phòng với nàng lấm lét, và chẳng ai muốn lân la với nó.

Mà cũng phải, bởi gốc gác ba đời của nó cũng y hệt như biết bao quần chúng tay trắng/tay không ở xứ này. Chỉ từ lúc có mấy thứ ban bệ (đổi tên xoành xoạch thành) tuyên giáo và bốn tờ cùng nhau tình tính tang bê nguyên cái đống khẩu hiệu “hạnh phúc – độc lập – tự do” về đây, thì tuồng như thằng nhạy cảm có thêm cái tên tây là Taboo, rồi trở thành một thứ ám ảnh của tai họa không ngờ và không lường cho giới cầm bút hay cầm chuột. Riêng nó chỉ cầm một khúc thừng bện bằng những sợi vàng lề phải bốn số 9 đã thắt sẵn nút thòng lọng.

Nạn kẹt xe ở thủ đô và các thành phố TW ngày càng khốc liệt, song chẳng đáng xách dép cho thằng nhạy cảm, bởi cái kỹ năng chuyên chính độc đáo (và độc ác) của nó từng ép lùa hàng triệu làn suy nghĩ của nhân dân vào độc lề phải của một làn duy nhất, lệt bệt chạy đúng một chiều quanh cái cối xay gió mà ai cũng ngỡ là mình đang chạy hàng đầu và sắp được trao cờ.

Nó mang kính mát, cả ngày lẫn đêm. Vậy mà, cho dù khó thấy, ai nấy đều có thể cảm nhận được cái  ánh mắt dò la (pha lẫm liệt) của nó luôn toát ngời lên cái vẻ sẵn sàng trao tặng các thứ giấy mời/lệnh triệu tập/giấy khai báo/ tờ kiểm điểm/lệnh khám nhà/biên bản tịch thu máy tính lẫn điện thoại/lệnh tạm giữ lẫn tạm giam… Thậm chí, lắm lúc nó còn nhá lòe ra cả mấy cái điều 79 hay 88 chết tiệt gì đó, như kiểu nhắc nhở mọi người về các cái tội danh gián điệp và phản quốc…

Trên sơ đổ tổ chức mọi thứ cơ quan tòa soạn/hội/liên hiệp/đoàn/đảng bộ/sở/vụ/viện/cục/bộ… các cấp, thằng nhạy cảm luôn luôn nằm ngang (và ngửa tênh hênh) ngay trước chủ tịch/chủ nhiệm/bí thư, kể cả bí thư gái. Quyền lực của nó chỉ thua có mỗi “tận cùng Trên”: Nó có khả năng xổ toẹt tương lai của bất kỳ ai nó không ưa, tức là những kẻ không nghĩ theo cách nó chỉ đạo cho nghĩ. Thậm chí, cả tương lai của vợ con nạn nhân. Cho nên, không ai “dám” động tới nó (nhưng mọi người đều tự mô tả là chẳng “muốn” động tới nó), và động tới nhau. Nó là một loại vi khuẩn HIV gây bệnh liệt kháng tư duy. Nó làm bại hoại mọi sinh động suy nghĩ của nhân dân cả nước. Ở tầm chức trách đó, nó chính là thằng phản động chính hiệu, nhưng lại chuyên nghề dán nhãn phản động cho những ai còn chút đầu óc (chưa bị đào tận gốc/trốc tận rễ).

Đáng tội! Nó chỉ không rõ cái quy luật truyền thông đại chúng ngày nay không còn là loại đường mòn của thời đồ đểu đủng đỉnh đi B đánh đổng đạp đài nữa. Trong thời buổi tin học chớp nhoáng (mà tên gọi của bạo lực sắt máu là thời đại A-còng) này, hoàng triều cương thổ của bộ thông tin tòng tọc và truyền thông teo tóp đã bị khoanh vùng/thu gọn đến không ngờ.  Các cụ tổ của quốc tế 1/2/3 (và ngay cả Goebbels của Nazi) nếu có hồi dương, cũng sẽ bàng hoàng há hốc/nhồi máu cơ tim/vỡ động mạch não mà “đi xa” lại lần nữa, trước các bức màn sắt/màn tre lần lượt đổ sập bởi mấy sợi cáp quang ADSL và lũ sóng Wi-Fi. Trên cái nền trơ móng của chuyên chính vô sản, đám bloggers dân báo muôn màu vạn sắc đã cải biến các thứ nhà tù tư tưởng thành những sân chơi mới và lũ lượt đứng lên giơ tay phản biện. Mọi việc. Mọi nơi. Mọi lúc. Như thử đó là bản nháp của đa nguyên, chí ít là về quyền nghĩ và nói tất yếu không cần xin. Nhà nước bó tay: Không át nổi. Không cản nổi. Không đỡ nổi.

Rêm mình/đau đầu/nhức óc khôn cùng bấy lâu vẫn chỉ quanh quẩn dăm ba câu hỏi hóc xương:

  • Báo chí quốc doanh sẽ đi đâu, về đâu?
  • Xu thế giật gân/tươi mát/lộ hàng tới đâu là đỉnh điểm câu khách của dàn báo chính quy?
  • Làm sao để độc giả tin rằng nhà báo đã tin vào chính điều họ viết?
  • Hội nhà báo làm gì ở khoảng giữa của hai Ngày Nhà Báo, sau những lời khấu tạ bốn phương tám hướng dài lê thê/lòng thòng/lượm thượm vào phút mở màn mỗi trận nhậu 21 tháng 6?
  • Chỉ thị/khuyến cáo/yêu cầu/năn nỉ tiết giảm bớt việc đưa tin xấu trong số hàng tấn tin xấu hàng ngày liệu có làm sáng nổi mớ hình ảnh “sinh hoạt của lãnh đạo” lèo tèo đó đây xưa giờ vẫn ngỡ là tin tốt?
  • Làm sao cho lãnh đạo bớt tuyên bố/phát biểu ấn tượng?
  • Làm sao cho dân khỏi tắt đài mỗi khi nghe nhạc hiệu tiết mục thời sự/xã luận/chính sách mới?…

Các trang báo đồng phục ngày nay không còn là thứ vũ khí phòng vệ của các thứ độc tài nữa. Sân chơi truyền thông thời hội nhập toàn cầu không có chỗ cho các thứ tẩy não hiểm ác (khi đào tạo), độc quyền định hướng (trước khi viết) và kiểm duyệt gắt gao (sau khi viết). Tất cả đã trở thành các thứ kỹ thuật chèo ngược giòng văn minh nhân loại, và tất yếu đã bị đào thải. Vậy thì vá săm lốp cách nào? Tự kiểm duyệt là thằng anh song sinh của thằng nhạy cảm. Cả hai ra đời trong bối cảnh quyền lực toàn trị của nhà nước đã bị u đầu mẻ trán/sứt cán gãy gọng trước lũ chuột Mac và Windows.

Dù vậy, dù thằng nhạy cảm vẫn lấp ló đó đây, song dàn nhà báo chính quy hôm nay đã không màng giữ đúng chỉ tiêu 100% bảo sao nghe vậy/cho gì viết nấy (như thời của thánh thần?). Tất nhiên, ngoại lệ vẫn là đám an ninh các thứ, từ thủ đô ra tận thế giới. Còn lại, các bác ấy đã sáng tạo một môi trường tung hứng trên cả tuyệt vời: Tay phải chính quy tung tin chạm ngưỡng “nhạy cảm”, với một số nhấn mạnh các phát ngôn ấn tượng (độc dữ kiện/không lời bàn), như một kiểu vờn banh và đưa banh. Tay trái chơi blog(s), tưng bừng pha trộn các loại ngôn ngữ từ học giả uyên bác tới xe ôm bình dị; pha trộn các loại nicks, cả nhà giáo vui tính lẫn cave yêu đời… vung bút phân tích/tổng hợp/phản biện/bình luận vượt ngưỡng “nhạy cảm” của các bản tin trong luồng, thành những cú làm bàn ngoạn mục. Và cứ thế mà tung lưới khung thành trước mặt, đưa nhà nước vào thế tiến không ổn, lui không xong. Thường là ngậm câm.

Đợt bấm nút biểu quyết của các đại biểu QH kỳ này (sau khi lấy ý kiến bằng thủ thuật thăm dò có chủ ý định hướng gian tà) đã được cả nước coi là một tiêu biểu rõ nhất:

a)   Nếu đa số thuận, thì nhà nước thắng kinh tế tư/thua chính trị công.

b)   Nếu đa số bác, thì nhà nước thua cả hai.

Kết quả bấm nút chiều ngày 19/6 rơi vào trường hợp (b), có vẻ hợp lòng dân nhất, dù trái ý “trên”.

Điều đáng ngẫm, không chỉ ở tỷ lệ phiếu nghị trường, mà là cả tỷ lệ áp đảo của các bài báo nâng bóng cực đểu trên dàn báo chính quy cùng các bài phản biện cực sắc trên các trang mạng ngoài luồng trước khi quốc hội biểu quyết. Đặc biệt dồn dập là ở những phút cuối 87-88-89 của trận bóng. Té ra là nhà nước thiếu “fan”. Té ra quyền lực nhà nước đã bị lột vỏ công khai.

Điều đáng ngẫm sâu hơn là dường như các đại biểu đã chịu khó đọc mạng, hay được bằng hữu đọc giúp, để có đủ dữ kiện cân bằng với bản giải trình ngắn gọn của nhà nước, trước khi cân nhắc quyết định bấm nút. Các trang mạng phản biện đã hết lòng hết sức trình bày kiến năng và sự thật nhiều chiều/nhiều góc liên quan đến đề án. Nhưng, các đại biểu bấm nút mới chính là những người dũng cảm vượt ngưỡng Taboo. Té ra, trước cái số đông đồng lòng, thằng nhạy cảm đang phân bua là rất cần một căn nhà tình nghĩa để dưỡng hưu.

Điều đáng ngẫm sâu hơn nữa là độc giả đã thấy lóe sáng những niềm tin lấp lánh của người viết trên các trang blogs tay trái, và cả những trang blogs của các tay viết nghiệp dư.

Nhà nước có thể thử áp đặt tiếp các thứ kim cô lên những người viết kẹt luồng, song không thể nào chỉ thị cho người đọc phải vào luồng/vào lề. Mà những độc giả này đang là “người của chính quyền”.

Đó chính là thế kẹt cực kỳ nan giải của nhà nước. Cho dẫu có ban tuyên án TW và bộ 16 tờ cũng đố mà đỡ nổi.

Đó là tiếng vỗ tay đều khắp cho một chiến thắng xứng công của dàn dân báo.

Đó cũng chính là lời nhắn sau cùng cho thằng nhạy cảm, bằng SMS, bằng AIM, bằng YM8, bằng ICQ, và cả Google Talk:

– Hãy gi ly si thng cho chính mình, cháu nhé! S cn đy!

20/6/2010 – nhiệt liệt chào mừng 85 năm ngày báo chí cách mạng VN.

Blogger Đinh Tấn Lực

 

 

#dinhtanluc