Rứa Là Răng?

  02/25/2021

dantri

Rứa Là Răng?

. Đinh Tấn Lực

Hầu hết các phóng viên đều có thể chụp một bức ảnh toàn ban lãnh đạo. Nhưng, khó có người chụp nổi một bức hình lột tả được toàn cảnh chế độ ta. Đại tá Vũ Công Long, trưởng CA quận Đống Đa – Hà Nội, phối hợp nhịp nhàng cùng “phóng viên” Nguyên Đức của báo Dân Trí, đã đoạt giải Kỳ Tích Nhiếp Ảnh VN 2009,  thông qua tác phẩm “Vỡ Đầu” ngày 9-10-2009.

dantri

Bức ảnh đã gây xôn xao dư luận, cả trong lẫn ngoài nước, không kém gì nỗi xôn xao về sự bất ngờ của bản tin giải Nobel Hòa Bình 2009 cùng ngày.

Người ta so sánh 2 bản tin về 1 vụ việc:

Một là bài báo của Nguyên Đức trên tờ Dân Trí có tựa đề  Bà Trần Khải Thanh Thủy bị bắt về tội ‘Cố ý gây thương tích’, đi kèm là bức ảnh giật giải vừa nói, có hàng chữ chú thích là: “Ông Nguyễn Mạnh Điệp bị đánh vỡ đầu (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)”.

Hai là bài phỏng vấn của phóng viên đài RFA Hà Giang, có tựa đề là Vợ chồng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị hành hung, đi kèm là bức ảnh nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (TKTT) có chú thích: “Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị đánh chảy máu đầu hôm 8-10-2009. Hình do gia đình cung cấp”.

Ráp nối 2 bản tin lại với nhau, mới rõ: Trên đường từ Hà Nội ra Hải Phòng để dự khán phiên tòa xét xử những người yêu nước ngày 8-10-2009, nhà văn TKTT bị nhà nước CHXHCNVN chận bắt và áp giải về nguyên quán. Đến 8 giờ rưỡi tối, ông Đỗ Bá Tân, chồng của nhà văn TKTT, đi mua cháo cho vợ, về đến trước cửa nhà thì bị hai người (thuộc lực lượng dân phòng?) mặc thường phục kiếm chuyện gây sự (để xe máy cản lối đi), bà Thủy nghe đôi bên lớn tiếng, từ gác ba chạy xuống nhà, ra sân, cũng bị liên can vào cuộc xung đột, khiến cả 2 bên đều có người có ảnh bị chảy máu đầu đăng báo, là bà TKTT và ông Nguyễn Mạnh Điệp. Bài “tường thuật” của báo Dân Trí đăng bức ảnh chứng thương của ông Điệp là “do cơ quan công an cung cấp”.

Điểm khó hiểu và cực đáng thương là bức ảnh máu me có ghi ngày “9 10 2009” của ông Điệp, một “nạn nhân” bị đánh vỡ đầu từ ngày hôm trước mà chưa hề được rửa sạch vết thương và băng bó gì sất (để chờ chụp hình?).

Khốn nỗi, blogger FreeOrDead đã phát hiện ra một vài chi tiết lý thú về kỳ tích nhiếp ảnh của các chiến sĩ Công An CHXHCNVN: Bức ảnh này được chụp từ lúc 10giờ 22phút 41giây sáng ngày 28-2-2005, bằng máy ảnh Sony DSC-W5, với ống kính F 2.8, cự ly 7.9mm, thời độ mở 1/30giây; và đã được chỉnh trang bằng phần mềm PhotoShop đời 7.0, lúc 5giờ 14phút 08giây chiều ngày 9-10-2009, tức là khoảng 1 tiếng trước khi báo Dân Trí post bài lên mạng.

Tức là, con số ghi ngày “9 10 2009” trên bức ảnh đăng báo không thể có trên bức ảnh nguyên thủy cho tới khi đi ngang qua phòng chỉnh trang của Công An. Tiếng Mỹ gọi là impossible! Tiếng Tàu gọi là bất khả! Còn tiếng Việt đậm tính hiếu kỳ: Rứa là răng?

Dantri-fake

 

Dantri-fake2

Hà cớ gì cơ quan công lực chuyên ngành nội trị lại đi cung cấp những chứng cớ pháp lý gian tà xảo trá như Rứa?

Hà cớ gì 1 tờ báo chính quy “lề phải”, mệnh danh là Dân Trí, lại nhanh nhẩu đổi màu thành thể loại  “an ninh thủ đô” như Rứa?

Hà cớ gì, trong dải đất nước giương cao ngọn cờ sống theo luật pháp và hiến pháp, các nhà văn cần viết phải đối đầu với một nhà nước cần giết, như Rứa?

Phải chăng, toàn bộ vụ việc có thể đã được lên phương án bằng một kịch bản có thể tái phác thảo như sau:

1. CA tìm sẵn một “cậu láng giềng” ở gần ngõ cùng phường, có tiền án, có thương tích đổ máu từng được chụp hình chứng thương, “vỡ đầu” càng tốt.

2. CA truy đuổi, chận xe nhà văn TKTT trên đường đi Hải Phòng để dự phiên tòa xử tội những người Việt Nam yêu nước, áp giải ngược về phố chợ Khâm Thiên.

3. CA sẽ không ném phân vào nhà bà TKTT như 14 lần trước nữa, mà chờ đợi một nguyên cớ gây sự. Nguyên cớ đó đến ngay lúc ông Đỗ Bá Tân đi mua cháo cho vợ về tới trước cổng nhà.

4. “Cậu láng giềng” Nguyễn Mạnh Điệp xuất hiện, không khó gì để tạo lý cớ và điều kiện cho một vụ xô xát xảy ra, chỉ khó là làm sao có được phản ứng tự vệ của “đối tượng”.

5. Một “cậu hàng xóm” khác là Nguyễn Văn Thịnh xuất hiện, nâng cấp vụ xô xát lên tầm ẩu đả có hung khí, đông người, quan trọng nhất là có mặt đối tượng chính là bà TKTT.

5. CA đứng chờ ngay cổng nhà, không cần lên tiếng cho tới khi vụ việc xảy ra đúng theo kịch bản có đổ máu định sẵn, sau đó, chỉ việc triệu tập cả hai vợ chồng chủ nhà về đồn thẩm vấn.

6. “Cậu láng giềng” tất yếu phải bị “ngất” và được xe trực sẵn ở cạnh hiện trường đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Đống Đa gần đó để lấy giấy chứng thương.

7. CA cho một “cậu sửa ảnh” dùng phần mềm PhotoShop chỉnh trang bức ảnh “vỡ đầu” có sẵn từ khâu đầu với con số ngày tháng cần thiết phải có trên ảnh đăng báo.

8. CA tự chỉnh trang bài báo viết sẵn với một số tình tiết bốc mùi hình sự, đặc biệt có đoạn kết tất yếu “về cơ bản,  cả hai đối tượng đều đã thừa nhận cầm gậy gạch tấn công nạn nhân”.

9. Đại tá Vũ Lông Cong cần có tên trên bài báo để gia tăng chất lượng cho câu chuyện hình sự, và nếu cần, chỉ việc ký tên thành “cậu phóng viên” Nguyên Đức (nickname là “Cớp”).

10. Đại tá Vũ Lông Cong làm thêm 2 bản phúc trình gửi về bộ CA và ban Tuyên giáo Trung ương, báo cáo hoàn tất công tác, giúp cho các cơ quan này tiện việc tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo đối với nhà văn cần giết là TKTT.

dantrilogo

Đọc lại bài báo Dân Trí, và xem qua kết quả kiểm ảnh của Blogger FreeOrDead, người ta có thể rút tỉa được thêm những nhận xét nào?

Một là: Tựa đề bài báo cho thấy bà TKTT là một nhân vật của công chúng (public figure), chỉ cần nói tên ra là ai cũng biết. Tựa đề này tập trung vào lý do bắt giam chính nhân vật này chứ không nhắm vào tình tiết câu chuyện như các bản tin hình sự thông thường.

Hai là: Đoạn sa-pô in đậm của bài báo ghi ngay kết luận của bản tin thành một loại mào đầu của bản án, với sự khẳng quyết của một “cán bộ nhân viên công lực” cấp bậc đại tá, tức là vụ việc phải ở cấp độ đại hình.

Ba là: Cũng ở đoạn đầu in đậm này, bà TKTT được ghi rõ nghề nghiệp là một “người viết văn tự do”, hàm ý là một tay nhà văn “ngoài luồng”, không có thẻ hội viên Hội Nhà Văn, không thuộc diện chính quy, tức là không có “nhân thân tốt”.

Bốn là: Cụm từ “Theo hồ sơ từ công an của quận Đống Đa” cho thấy tác giả bài báo không chỉ có hình ảnh chứng cứ (giả mạo), mà còn được CA cung cấp toàn bộ tình tiết vụ việc, bắt đầu bằng một khẳng quyết rằng mọi chuyện xảy ra là bởi ông Đỗ Bá Tân để xe cản lối đi.

Năm là: Mọi diễn tiến sau đó đều xảy ra theo một trình tự cực lôgíc: “Nạn nhân” thuộc về phía CA bảo vệ, được đưa đi chỉnh sửa ảnh chứng thương… Còn “Đối tượng” rõ là tay nhà văn không vào lề, lại quan tâm về những người yêu nước đang bị ra tòa lãnh án ở Hải Phòng.

Sáu là: Không ai thuộc luật và có óc sáng tạo cách áp dụng luật hơn công an của nhà nước CHXHCNVN đối với các đối tượng thể hiện lòng yêu nước của họ: Có trường hợp phải dùng hồ sơ thiếu thuế, cũng có trường hợp phải dùng tội danh “gây rối trật tự công cộng” hay “cố ý gây thương tích”. Chỉ đối đế lắm mới phải viện đến cặp còng 88.

Bảy là: Nhà nước sẽ không chỉ kêu án những người yêu nước, mà còn có nhiều phương cách sáng tạo khác để khiến những ai ủng hộ những người yêu nước kia phải nản chí, bằng các thứ án hình sự linh tinh, sau khi đã liên tục ném phân vào nhà đối tượng.

Tám là: Kết quả phát hiện của Blogger FreeOrDead đã làm đảo lộn một số toan tính, lột tả cực rõ tính chất gian manh nhưng thiểu trí trầm trọng của nhà nước ta, để lộ các khe hở cơ bản về kỹ thuật, ngắn gọn là Gian mà Ngu, và có thể khiến Đại tá Vũ Lông Cong mất đi cơ hội lên tướng trước kỳ đại hội XI này.

Chín là: Các “cậu đánh máy” và các “cậu chỉnh hình”, trong thời gian gần đây, đã liên tục thể hiện xu thế tích cực và đích thực chống phản động, ngay từ cốt lõi bên trong các thứ trụ cột những tưởng là đời đời bền vững của đảng và nhà nước ta là: tư tưởng, báo chí và công an.

Mười là: Hệ lụy “nhân quả” của mọi hành động vu oan giá họa, ngậm máu phun người… đều có thể hiển hiện “nhãn tiền”. Ở đây, cứ tưởng mọi sự trót lọt một phương án ném cứt nhà người, không may, đã biến thành tự trát cứt mặt mình, cả công an nhà nước lẫn báo chí lề phải.

Ô hô! Ai tai! Thương lắm thay!

12/10/2009 – nhân ngày khai trương mạng di động 3G tại VN.

Blogger Đinh Tấn Lực

 

#dinhtanluc